Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Bất Ngờ Gặp Hoàng Hậu Triều Nguyễn Tản Bộ Trong Kinh Thành Huế

Bất ngờ gặp 'hoàng hậu' triều Nguyễn tản bộ trong kinh thành Huế

Sáng 24.12, trong khuôn khổ chương trình khai mạc tuần lễ vàng kích cầu du lịch tại di sản cố đô Huế, nhiều du khách đã bất ngờ chứng kiến cảnh 'Hoàng hậu' triều Nguyễn tản bộ trong Đại nội.
tin du lịch huế
Hoàng hậu triều Nguyễn và đoàn tùy tùng xuất hiện trong Đại nội là một hoạt cảnh hóa trang nhằm tái hiện lại nếp sống trong hoàng cung Huế do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện.

Qua các hoạt cảnh tái hiện, du khách có cảm giác bất ngờ và thú vị khi được nhìn thấy các phi tần, cung nữ, lính lệ, quan binh… trong trang phục, lễ nghi cung đình xưa.

tin du lịch huế
Gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng nỗ lực tái hiện lại nhiều nét xưa của chốn hoàng cung để phục vụ du khách như tái hiện lại phiên đổi gác trong hoàng thành, đám cưới công chúa trong cung…

Thanh Niên Online

Posted By Vietnam 00:19

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

9 Điều Thú Vị Để Khám Phá Huế

9 ĐIỀU THÚ VỊ ĐỂ KHÁM PHÁ KINH THÀNH HUẾ

Nét trầm mặc cổ kính, đêm Hoàng Cung huyền diệu tái hiện lịch sử của chốn lầu son hay những lời ca ngọt ngào trên sông Hương đã tạo nên một Huế mộng mơ hấp dẫn du khách.

1. Di tích cung đình còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam

Nếu bạn từng đến cố đô Hoa Lư (Nình Bình), Cổ Loa, Thăng Long (Hà Nội), những nơi từng là kinh đô của nước Việt Nam, giờ đã trở thành phế tích, sẽ thấy quần thể di tích cố đô Huế vẫn còn được bảo tồn một cách nguyên vẹn nhất. Với cung điện, thành trì, đàn miếu, lăng tẩm, chùa chiền và nhiều nhà vườn có tuổi đời vài trăm năm... cố đô Huế mang trong mình vẻ đẹp thanh bình, yên tĩnh.

tin du lịch huế
Cố đô Huế lung linh trong đêm. Ảnh: Quang Nguyên

Du khách đến Huế sẽ được chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật của cung điện vàng son, đền đài lăng miếu lộng lẫy, lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam thắng cảnh trầm mặc. Bên cạnh đó, Huế cũng không kém phần nhộn nhịp đông đúc, là nét hấp dẫn khi muốn tìm một chốn thanh tịnh nhưng không quá u buồn.

2. Công trình kiến trúc quân sự

Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, toạ lạc ở phía Bắc sông Hương, mặt quay về hướng Nam. Kinh thành Huế là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông với thuyết âm dương ngũ hành cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng kiến trúc quân sự phương tây.

tin du lịch huế

3. Lăng tẩm vua chúa độc đáo nhất

Lăng tẩm của các vua triều Nguyễn tuân theo đúng nguyên tắc phong thủy như: sông, núi, ao, hồ, khe suối. Bố cục mặt bằng khu lăng tẩm nào cũng chia làm hai phần chính: phần lăng và phần tẩm. Khu vực lăng chôn thi hài nhà vua, khu vực tẩm là chỗ xây nhiều miếu, điện, lầu gác, đình... để nhà vua lúc còn sống thỉnh thoảng rời hoành cung lên đây tiêu khiển. Chính vì vậy, mỗi lăng tẩm Huế, chẳng những là di tích lịch sử văn hoá mà còn là một thắng cảnh, một đoá hoa nghệ thuật kiến trúc độc đáo, riêng biệt giữa chốn núi đồi xứ Huế.

tin du lịch huế
4. Hệ thống báu vật cung đình quý giá nhất còn được lưu giữ

Nằm trong Thành Nội, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế được thành lập vào năm 1923, với tên đầu tiên là Musee’ Khải Định. Sau đó, nó đã năm lần được thay đổi tên và đến năm 1993, được đổi tên thành Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.

tin du lịch huế
Tại bảo tàng này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về hàng nghìn hiện vật gồm đồ gốm sứ, gỗ , đồng, pháp lam, đá, xương, ngà, sừng, điêu khắc trên đá... được trưng bày tại đây.

5. Phục dựng thành công một số lễ hội cung đình đặc sắc

tin du lịch huế
Lễ tế xã tắc được tái hiện ở Huế. Ảnh: thethaovanhoa.

Lễ hội cung đình ở Huế xưa kia là những cuộc lễ mang tính quốc gia, do nhà nước đứng ra tổ chức và thực hiện. Có hàng chục lễ hội lớn nhỏ khác nhau được cử hành hàng năm ở đất thần kinh. Chúng đã được triều đình quy định rất chặt chẽ và nghiêm túc, thậm chí được ghi thành điều lệ. Từ vua quan đến dân chúng, từ hoàng gia đến dân chúng đều phải tuân thủ những điều lệ nghiêm ngặt ấy. Ngày nay, du khách đến Huế sẽ được xem những màn tái hiện lại một số lễ hội cung đình.

6. Nhã nhạc cung đình

Nhã nhạc cung đình, một trong những nét đẹp văn hoá nghệ thuật độc đáo của xứ Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đây là dòng nhạc cung đình truyền thống phương đông còn bảo lưu duy nhất ở cố đô này. Du khách có thể thưởng thức những tài năng âm nhạc với những nhạc khí được chế tạo công phu được trình diễn ở Huế.

tin du lịch huế
Trước đây, thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến này được biểu diễn vào các dịp lễ hội như vua đăng quang, vua băng hà hay các lễ hội tôn nghiêm khác trong 5 triều đại nhà Nguyễn.

7. Đêm hoàng cung

Vào mỗi dịp Festival Huế, thành cũ, mái đình rêu phong cổ kính của Đại Nội - Huế về đêm được thắp lên ánh sáng lung linh huyền ảo. Từ cửa Ngọ Môn, cổng chính của khu vực Đại Nội (Hoàng thành Huế), du khách sẽ thấy cờ xí được bày trí, đèn lọng uy nghiêm, hàng lính cấm vệ trong sắc phục truyền thống...

tin du lịch huế
Đó là sự tái hiện cuộc sống phồn hoa của chốn hoàng cung khi màn đêm buông xuống. Du khách sẽ được thả hồn mình vào một không gian huyền ảo khói sương với mùi trầm hương nghi ngút, như được sống trong không gian hoàng cung đầy huyền hoặc.

8. Ca Huế trên sông Hương

Ca Huế là một món ăn tinh thần quý giá, một thú vui tao nhã mà bất cứ du khách nào đến Huế cũng đều muốn có dịp được được thưởng thức. Du thuyền lướt nhẹ trên sông Hương dưới ánh trăng thơ mộng hay dưới ánh đèn thắp sáng lung linh ở hai bên bờ sông, còn gì tuyệt vời khi được nghe ca Huế.

tin du lịch huế

Đêm ca Huế trên sông Hương thường được bắt đầu từ 7h tối. Đò nghe ca Huế được thả trên sông đoạn từ Phu Văn Lâu đến cầu Tràng Tiền, đi ngang qua kinh thành để du khách có dịp trải nghiệm những góc nhìn độc đáo về văn hóa lịch sử ở đất cố đô.

9. Ẩm thực cung đình

tin du lịch huế
Những món ăn màu sắc được trình bày rất hấp dẫn. Ảnh: A. Thư

Nói đến ăn uống xứ Huế, người ta thường nghĩ đến lối ăn cung đình, một phong cách ẩm thực được hình thành để phục vụ triều đình nhà Nguyễn trong hơn một thế kỷ đóng đô ở đây. Nền ẩm thực cung đình Huế luôn biểu hiện sự tinh túy, cầu kỳ, trang nhã và thanh cao. Người Huế vẫn giữ được một phần hình ảnh ăn uống chốn cung đình xưa, vì vậy đến Huế bạn sẽ được thưởng thức những tinh hoa của ẩm thực.

Anh Thư

Posted By Vietnam 02:45

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Viết Về Huế

VIẾT VỀ HUẾ


Thời gian lững lờ trôi như nước dòng Hương thơ mộng. Mới ngày nào còn chập chững, ngơ ngác bước vào trường, thế mà... Thấm thoát đã qua mấy mùa phượng đỏ, đã mấy lần nghe tiếng ve rả rích gọi bạn những trưa Hè.

Tôi vốn là người con của Huế, là thần dân chốn Kinh kỳ. Đạo duyên đưa lối, Phật nhãn soi đường, rời Huế từ tấm bé, xa Mẹ với quê hương. Ngày ngày, ngoài những thời khóa tu tập, tôi cũng "lững lờ" theo dòng nhạc du dương, miệng ngân nga “khúc tình ca xứ Huế”, bồi hồi "thương về miền Trung" yêu dấu từ khách địa xa xăm. Một chiều “mưa trên phố Huế”, phải chạnh lòng “tạm biệt Huế” ra đi, trong tim lại mang một chút vấn vương về những cơn mưa dầm rả rích.

Dẫu ra đi, lòng tôi vẫn luôn hướng về miền cố quận Thùy Dương, lòng dâng lên một niềm thương khôn tả.“Thương về Mạ Huế” một nắng hai sương. Thương Ba còng lưng bốn mùa lam lũ. Thương dân Thần Kinh nghèo khổ, vất vả ngược xuôi, gồng mình đối chọi với bao tai biến của thiên nhiên. Với tâm trạng của một người ly hương, trong tôi luôn canh cánh một “nỗi buồn xa xứ”, vẫn thường hướng về miền đất Mạ cố đô.

Có những hôm, lòng lại rộn lên: "quê hương là gì hở mẹ, mà ai đi xa cũng nhớ về...". Không nhớ sao được khi tuổi thơ tôi đầy ắp những kỷ niệm buồn vui, sớm khuya vui vầy cùng nương rẫy.

Trở lại Huế sau hơn 13 năm xa cách, Huế vẫn rứa... Dẫu đã thay da đổi thịt từng ngày nhưng Huế vẫn còn đó nét cổ kính, rêu phong trầm mặc, thời tiết Huế chẳng khác tự ngàn xưa. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt của Huế, nhưng khi trở lại, vẫn không tránh khỏi hệ lụy lâu dài. Cảm giác đầu tiên về Huế là "khó ở". Thật sự khó ở! Người xưa nói rằng: “Thuận Hóa tứ thời giai Hạ, nhất vũ hóa vi Đông”. Thật vậy, giờ trước nắng như đổ lửa, giờ sau Huế đã lạnh se se. Thế mới biết Huế đặc biệt đến nhường nào.

Ai đã từng đến Huế, đều đọng lại trong trái tim nhỏ nhoi niềm thương cảm vô bờ. Thương Huế lắm, miền núi Ngự sông Hương thơ mộng mà răng nhiều thiên tai, bão lụt đến rứa. Thương lắm cái nắng – cái mưa – cái lạnh – cái khó khăn của Huế. Nhiều người đến Huế đã gật gù: Huế đẹp – Huế thơ – Huế mơ – Huế mộng. Và cũng chừng đó người lắc đầu ngao ngán về: mưa Huế – nắng Huế – lạnh Huế và... người Huế...

Nói rứa không có nghĩa là người Huế xấu xa và đáng sợ. Người dân xứ Huế quê tôi cần cù, chịu thương chịu khó lắm, đặc biệt là rất thân thiện và mến khách, tình cảm lại dạt dào (như tôi nè...).

Huế là nơi bốn mùa xen trộn, không thể lầm lẫn ở một nơi nào được. Huế là miền "có nắng Hạ giữa mùa Thu, mây khắp trời giữa mùa Xuân". Như đã nói ở trên, Huế có "mùa Đông giá rét buốt lạnh con tim, mùa Hạ cháy da thêu vàng ngọn cỏ".

Đây chính là đặc trưng của Huế!

Ai chưa từng đến Huế, thì xin một lần dừng chân ghé lại thăm miền Thùy Dương cát trắng, để một lần Huế tiễn bạn ra đi, rồi hơn một lần trong tim của chính bạn khắc khoải niềm thương khi phải "giã từ Cố Đô" trong một buổi chiều "mưa trên phố Huế".

Mỗi lần đến Huế bạn sẽ có một cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp của Huế, vẻ đẹp của người Huế, về nghệ thuật ẩm thực của Huế...

Huế quê em xin mời muôn khách lạ

Ngắm trăng trong thơ thẩn với dòng Hương

Mai đây dẫu mấy dặm trường

Hò... ơi... mái nhị, nam bường lắng sâu

Trong đêm trường cô tịch, ánh trăng ngà soi bóng Hương Giang, sóng nước vỗ nhịp mái chèo nghe rưng rức nghẹn ngào như lời chia tay với người tri kỷ.

Hò... ơi...

Hương tỏa đôi bờ lững lờ thuyền mộng

Cung đàn trầm bổng nhịp phách trang đài

Sông Hương trăng gió láng lai

Câu ca điệu lý cảm hoài nhớ thương...

Câu hò mái nhì, mái đẩy, khúc hát nam ai, nam bường, tiếng phách nhịp khoan thai đêm đêm vẫn vang vọng trên dòng sông thơ mộng, khiến bao lữ khách phải bâng khuâng, dẫu nghe qua ngôn từ chưa thấu hiểu, nhưng tấm chân tình đã thấm vào hồn kẻ tri âm.

Huế không phải là nơi có những danh thắng kiêu sa hiện đại, nhưng là nơi khiến tất cả phải hướng về. Vẻ đẹp trầm mặc của Huế, giọng nói sâu lắng đến lạ kỳ của người Huế, dẫu khó hiểu nhưng cũng kịp làm rung cảm đến tận đáy tâm hồn người nghe.

Huế có kinh thành nội, nơi chứng kiến biết bao sự đổi thay trong bộ máy quyền cai đất nước, lúc thịnh lúc suy, khi vinh khi nhục. Huế có lăng tẩm đền đài, là nơi lưu dấu nghìn thu của các bậc vua chúa. Huế có sông Hương hiền hòa mát trong thơ mộng, có núi Ngự thông reo vi vút giữa trời xanh.

Huế không lắm chùa to Phật lớn, nhưng rất nhiều cảnh u tịch già lam. Huế có Từ Đàm, ngôi Phạm Vũ đã chứng tri biết bao biến động trầm hùng của lịch sử. Ngôi bảo tháp được dựng xây sừng sững như thể vươn lên khỏi lớp bụi hồng trần. Huế có Thiên Mụ, ngôi cổ tự hùng thiêng trải qua bao thế hệ xứ Đàng Trong, hồi chuông Thiên Mụ vẫn còn đây, vẫn vang vọng từ ngàn xưa tận mãi ngàn sau. Tháp Phước Duyên vòi vọi giữa chốn Kinh kỳ, như thâu gọn hồn thiêng của tổ quốc.

Bên dòng Hương Giang soi bóng biếc

Tháp ngà ngút tận mấy tầng xanh.

Lưu dấu ngàn năm hồn dân tộc

Mãi tận ngàn sau khí hùng anh

Đến Huế, ta như được trở về với Mẹ, trở về nơi nương tựa của tâm hồn. Sống trong khung cảnh Huế, tất cả đều cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống, nhận ra được thể tánh thường hằng bất biến ở mỗi con người. Đến Huế, như thể đã tìm về được cội nguồn tâm linh, khi thoảng nghe tiếng chuông chiều tỉnh thức.

Cố Đô ngân vọng tiếng chuông

Hỏi người xa Huế, có buồn hay không?

Buồn không? Một mai rời xa xứ Huế, bạn sẽ thấy sâu thẳm tận trái tim mình niềm tiếc nuối nhớ nhung... Bạn đã rời xa Huế, chắc chắn trong tâm thức bạn luôn mong có một ngày về.

Huế không chỉ có núi Ngự sông Hương, đền đài lăng tẩm, trong lòng Huế còn có rất, rất nhiều thứ để khám phá như ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật cung đình...

Một lần ghé Huế, một lần nghe tiếng "dạ, thưa" của người con gái Huế, mới cảm nhận sự dịu dàng của thục nữ chốn Kinh kỳ.

Sáng nay, không khí thật trong lành. Sự yên bình bao phủ khắp cả kinh thành Huế. Giờ đây, chính là lúc thích hợp nhất để cảm nhận sự cổ kính rêu phong, trầm mặc rất đỗi dễ thương của Huế. Ngoài sân, từng hạt mưa tí tách, như rơi giọt lệ chia ly cho người tri kỷ. Trên tay một tách trà thơm quyện với hương trầm thoảng đưa con người thoát ra khỏi sự nhiễm ô của thói đời trần tục.

Xa Huế đã lâu, nay về lại sống trên mảnh đất quê hương, chưa kịp cảm nhận hết sự nhiệm mầu của Huế thì lại sắp phải chia ly. Ai ra đi rồi cũng còn lưu lại chút niềm thương với Huế, để rồi cứ ray rứt mãi mảnh hồn nơi xứ lạ.

Mai xa rồi, xa miền quê yêu dấu

Xa mái trường, xa bằng hữu thân thương

Ta ra đi, mang một thoáng sầu vương

Bao kỷ niệm xin ghi vào nhung nhớ...!

Sống ở Huế, học hỏi được rất nhiều điều, cảm nhận được rất nhiều điều mà chẳng nơi nào có được. Nhưng hội ngộ rồi cũng phải phân ly, đấy là quy luật tất yếu của cuộc sống. Thêm một mùa Xuân nữa lại về, đây là mùa Xuân cuối cùng của tôi trên mảnh đất tình người. Kể từ đây, chúng tôi chính thức rời xa Huế, xa bạn xa thầy. Nhưng dẫu ở phương nào thì tình thầy nghĩa bạn vẫn tợ keo sơn, vẫn mãi nhớ về mái ấm Học viện, nhớ lại những tháng ngày chung lớp chung trường.

Vâng. Chia tay – lưu luyến. Dẫu bịn rịn, vấn vương rồi cũng phải chia phôi sau phút giây tao ngộ tương phùng. Kết thúc để bắt đầu, đó là nguyên lý.

Rời xa ghế nhà trường – nơi một thời lưu dấu tuổi học sinh – hướng đến tương lai với bao ước vọng, thực hiện hoài bão được ấp ủ, thai nghén trong một quá trình dài. Kết thúc đời sinh viên để bắt đầu cho một cuộc sống mới, cao cả hơn, rộng lớn hơn, đồng thời, hoàn thành trọn vẹn lý tưởng giải thoát, hoằng pháp lợi sanh.

Mặc dù vẫn biết “nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thuỷ...”, nhưng sống trong thế giới đối đãi, cũng cần có một cái gì đó để lưu lại với người. Nghĩ suy, đắn đo mãi mà chẳng biết viết chi, chỉ biết chắp bút ghi lên vài dòng cảm nhận.

Vẻ đẹp chốn Huế đô đã có biết bao thi nhân mặc khách miêu tả bằng ngòi bút ngọc ngà và lời văn diễm lệ. Tôi không phải nhà văn, nhà thơ, cũng không phải người lưu thông chữ nghĩa, càng không phải là một sứ giả quảng bá thương hiệu Huế thân yêu. Tôi là một người con của Huế, chỉ muốn nói lên cảm nhận của lòng mình về nơi chôn nhau cắt rốn, cùng thời gian theo học dưới mái trường. Thế nên không ngại văn từ luộm thuộm, chữ nghĩa cạn cợt, bạo dạn lưu lại một chút hương tình.

Không biết bao giờ mới trở lại sinh sống tu học nơi đây, nhưng dẫu ở phương nao cũng hẹn một ngày “trở về thôn cũ”. Mong một lần đón Tết với Huế thương, không còn cảnh đón “Xuân tha hương, lạc xứ”. Giờ đây, lòng chỉ còn sót lại Khúc Tâm Xuân, lưu dấu tình trường, tình quê, tình pháp lữ.

Rồi sẽ hẹn ngày về.

Huế ơi!

HỮU VĂN

Posted By Vietnam 19:08

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Sông Hương - Bánh Huế

Sông Hương - Bánh Huế: 



Bữa tiệc bánh Huế gia chủ thường đãi khách 5 đến 7 loại bánh ngon, dọn từng món theo thứ tự: bánh bèo, bánh khoái, bánh nậm, bánh ít ram, bánh cuốn thịt nướng, bánh dày, bánh bột lọc... sau đó tráng miệng bằng bánh phu thê hoặc bánh gai và các loại bánh ngọt.

Vâng, một bữa tiệcthực đơn toàn các loại bánh Huế. Huế là xứ sở sinh ra hàng trăm loại bánhcủa riêng mình và bánh du nhập từ miền Bắc, miền Nam hay Trung Quốc được Huế hóa.
Bánh nậm

Tiệc bánh Huế có thể đặt ở nhà hàng lớn, ở ngay quán bánh, hay mua bánh về dọn ở nhà. Các quán bánh nổi tiếng như quán bánh khoái Thượng Tứ của chị em cô Ngọc câm, khách Tây, khách ta đông nghẹt suốt đêm ngày, quán bánh bèo Ngự Bình, ngã ba Thánh Giá, quán bánh ướt, bánh cuốn thịt nướng ở Kim Long, bánh nậm Bến Ngự, quán bánh đường Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 5 giờ chiều đã hết...


Bữa tiệc bánh Huế gia chủ thường đãi khách 5 đến 7 loại bánh ngon, dọn từng món theo thứ tự: bánh bèo, bánh khoái, bánh nậm, bánh ít ram, bánh cuốn thịt nướng, bánh dày, bánh bột lộc. sau đó tráng miệng bằng bánh phu thê hoặc bánh gai và các loại bánh ngọt. Mỗi loại bánh Huế có một cách thức ăn và loại nước chấm đặc trưng. Ví dụ bánh bèo rưới nước chấm pha bằng nước mắm ngọt nhẹ, bánh bột lọc chấm nước mắm chua cay nhẹ...Tùy từng loại bánh mà ăn bằng đũa, thìa, que tre mảnh... Bánh Huế đa phần ăn nóng, vừa chế biến, vừa dọn ăn mới đảm bảo hương vị.


Dự một tiệc bánh Huế, người chưa quen thường có cảm giác lửng lơ ban đầu vì các đĩa bánh thường nhỏ, tấm bánh lại thanh mảnh. Nhưng ăn xong năm, bảy loại bánh mới thật thấy khoái khẩu. No mà không chán, còn thòm thèm thích ăn nữa. ăn bánh Huế nhẹ bụng, chóng tiêu, vì bột mịn, chế biến kỹ, chỉ có các loại thực phẩm nhẹ như tôm, trứng...Các loại bánh bèo, bánh nậm, bánh dày... người Huế thường làm cho trẻ con hay người lớn mới ốm dậy ăn cho chóng khoẻ. Ðó cũng là các loại bánh có mặt trong các bữa ăn của vua xưa. 


Người Huế hàng ngày thường rủ nhau đi ăn bánh bèo. Bánh được làm bằng bột gạo sú với nước, cho thêm ít mỡ, muối, ít hàn the rồi bắt lên bếp khuấy mạnh cho khỏi sít, nhưng đừng để bánh chín, sau đó múc từng thìa bột đổ vào khuôn. Khuôn là những cái chén nhỏ xíu, đường kính miệng chỉ 5cm, nông chưa tới 1cm. Từng cái chén nhỏ này được xếp vào giá đỡ trong nồi hấp lớn. Mỗi nồi hấp từ 30 đến 50 chén bánh. Bánh chín, người ta dùng que tre mỏng như lưỡi dao xoay lấy bánh ra khỏi khuôn rồi xếp vào đĩa, rưới qua một lớp dầu mỏng và rắc tôm chấy lên trên. Mỗi đĩa 10 đến 12.


Tôm chấy là loại tôm sú, tôm rằn tươi bóc vỏ, hấp chín và chấy nhỏ tới, vàng gạch rất bắt mắt. Ngoài tôm chấy, trên từng miếng bánh con có một miếng phồng nhỏ bằng da lợn rán giòn. Ở các quán sang, chiều theo ý khách, người ta không lấy bánh ra khỏi chén hấp mà dọn luôn cả chén có rắc tôm chấy, gia vị. Một mâm bánh bèo như thế thường từ 15 đến 20 chén.
Bánh bèo thường dùng nước chấm ngọt ăn nóng bằng que tre mỏng vót nhọn. Nước chấm bánh bèo thường có mùi tôm chín đặc trưng. Vùng Ngự Bình xưa nay nổi tiếng bánh bèo ngon. Du khách sau chầu leo núi, ngắm trời thong thả xuống núi, vào quán bánh bèo thưởng thức vị ngọt mát, nồng thơm như là một nốt lặng chiều Huế tím.


Bánh lá là thứ bánh sang. Người Huế gọi là "bánh nậm". Bánh này cũng làm từ nguyên liệu như bánh bèo, nhưng gói bằng lá dong, có nhuỵ tôm chấy. Người ta múc bột vào lá, thêm nhuỵ tôm chấy rồi gói kín đem hấp, khoảng một giờ sau thì chín. Nước chấm bánh nậm là nước chấm ngọt, pha tí cay. Ở các tiệm sang thường ăn bánh lá kèm với chả tôm nên được gọi là "bánh lá chả tôm". Chả tôm là loại chả giống chả quế, nhưng nguyên liệu chủ yếu là tôm ở phá Tam Giang, được quết và gói thành chả.


Loại bánh đặc sắc nhất Huế là loại "bánh khoái". Có người bảo do khi chế biến bánh này có nhiều khói thơm, tiếng Huế gọi trệch thành bánh khoái. Cũng có người nôm na rằng, do ăn khoái quá nên gọi là bánh khoái! Bánh khoái đổ bằng bột gạo (hoặc nếp) đánh sệt nước với trứng gà (hoặc trứng vịt), thêm các gia vị mắm muối. Nguyên liệu phụ là tôm bóc vỏ, thịt bò (hoặc chim) nướng thái lát, mỡ thái chỉ, giá sống. Khuôn bánh khoái làm bằng gang hình tròn, nông khoảng 2cm, đường kính từ 12 đến 15cm, có cán cầm.


Khi có khách, nhà hàng mới bắc khuôn, đổ bánh. Công việc làm bánh ngay trước mặt khách. Múc dung dịch bột đổ vào khuôn đang nóng. Tiếng bột bén mỡ xèo xèo, bốc khói thơm quyến rũ. Khi bột chín vàng rơm thì gắp một vài lát thịt, vài con tôm nõn, bỏ vào một nửa phần bánh, lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt và bày ra đĩa. Bánh khoái ăn với nước lèo và rau sống, vả thái, chuối chát, khế thái lát. Bánh khoái ngon nhờ bánh và nhờ nước lèo đặc trưng. Nước lèo bánh khoái chế biến từ hàng chục loại nguyên liệu khác nhau như gan lợn, bột đao, mè, đậu phộng... Loại nước lèo này nếu không có nghề gia truyền, thì dù có thuộc công thức bạn cũng khó chế biến được ra mùi đặc trưng. Mùi vị bánh khoái Huế rất dễ gây nghiện, như nghiện thi ca!


Sưu tầm

Posted By Vietnam 01:53

Đậm Đà Hương Vị Bánh Huế

Đậm đà hương vị bánh Huế: 


Ngoài đền đài, lăng tẩm thì ẩm thực ở Huế cũng làm cho người ta thích thú muốn khám phá, đặc biệt ở Huế có rất nhiều các loại bánh độc đáo, hấp dẫn. Đến Huế mà không thưởng thức những loại bánh đó thì quả là một điều tiếc nuối.

Màn sương buông xuống, nhịp sống Huế trầm hẳn, ánh sáng le lói của những chiếc đèn chỉ đủ soi sáng góc phố. Người Huế rủ nhau đi ăn đêm. Trong thành nội đã thưa vắng người, những gánh bánh ít, bánh nậm thơm ngon khiến người đi qua không thể không dừng lại thưởng thức. Ánh đèn dầu leo lét treo trên đôi quang gánh gợi nhớ đến một Huế từ rất xưa.

Hàng trăm loại bánh ngon, mỗi loại lại có một cách làm và mang ý nghĩa riêng.

Người Huế làm bánh không phải để ăn no, mà làm để thưởng thức hương vị. Bột làm bánh ram ít, bánh bèo hay bánh nậm là thứ nếp trắng chọn kỹ, ngâm nước vừa độ để không bị chua rồi xay nhuyễn. Những con tôm tươi, vỏ mỏng mang lại hương vị thơm ngọt. Và cách chế biến các loại bánh rất cầu kỳ, tỉ mỉ.

Chiếc bánh bèo được làm theo hình dáng của cánh bèo xinh với khuôn là những chiếc chén nhỏ xíu. Múc từng muỗng bột gạo loãng đổ vào khuôn. Trông thì đơn giản nhưng để đồ được những chiếc bánh bèo đều nhau, bột không bị sánh ra ngoài là cả một nghệ thuật. Hấp chừng 5 phút là bánh chín. Lấy bánh để ra một chiếc khay nhỏ, rắc tôm chấy màu vàng gạch lên trên rồi thêm vào miếng phồng nhỏ bằng da lợn rán giòn. Bánh bèo dùng với nước chấm ngọt có mùi tôm chín đặc trưng.
Vài địa chỉ cửa hàng tại Huế: Cà phê Tịnh Lâm Nhi, Cà phê Nam Giao Hoài Cổ, Bánh khoái Lạc Thiện 

Bánh nậm trắng ngần điểm nhụy tôm hồng, mặt bằng hình chữ nhật, lát mỏng thanh thanh, được bọc bằng lá dong ăn kèm với chả tôm.

Bánh khoái cầu kỳ. Bánh đổ bằng bột gạo, trộn với bột nghệ, trứng gà, nước và các gia vị mắm muối đánh cho thật mịn, thật sánh. Nguyên liệu phụ của bánh khoái là giá đỗ, giò sống và tôm. Bánh khoái ăn với rau sống gồm vả, chuối chát, khế thái lát và nước lèo.
Bánh ram ít là bánh được nhiều thực khách thích nhất khi đến Huế.

Lang thang trong Huế về đêm, dễ dàng nhận thấy rất nhiều hàng bánh Huế tấp nập khách. Ăn bánh Huế phải thưởng thức cả bằng miệng, bằng mắt và bằng tai mới có thể tận hưởng hết hương vị đậm đà và sự cầu kỳ tinh tế vốn có của nó.

Theo vnexpress

Posted By Vietnam 01:44